Lạm phát, chi phí sinh hoạt tăng cao và nhu cầu khó lường đang định hình lại thói quen và nhu cầu chi tiêu của người tiêu dùng. Do đó, bạn cần biết chính xác những gì người tiêu dùng muốn để quyết định thực hiện các khoản đầu tư chiến lược thông minh và kết nối tốt hơn với đối tượng mục tiêu của bạn.

Đó là lý do tại sao Statista Consumer Insights công bố các xu hướng người dùng để doanh nghiệp có thể xác định lại hành vi của người tiêu dùng trong năm tới (2024).

Và đó cũng là lý do tại sao Statista Consumer Insights thu thập, tận dụng bộ dữ liệu đại diện cho hành vi, sở thích, thói quen … của 3,5 tỷ người trên toàn thế giới để tạo ra và cung cấp những xu hướng người dùng 2024 này.

Hy vọng sách trắng này và bản dịch này của mình có thể đóng góp vai trò nho nhỏ như một la bàn chiến lược, giúp các doanh nghiệp điều hướng và khai thác các xu hướng phát triển này để thành công vào năm 2024 và hơn thế nữa.

XU HƯỚNG 1: REQUEST FOR QUALITY – Kiên định theo đuổi chất lượng & giá trị trong thời kỳ hỗn loạn

Cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt ảnh hưởng nặng nề đến người tiêu dùng nhưng họ vẫn lạc quan – theo khảo sát có hơn 40% trong số những người tiêu dùng toàn cầu cho biết chi phí sinh hoạt của họ đang tăng cao đáng quan ngại – Người tiêu dùng đang đánh giá, điều chỉnh lại thói quen chi tiêu của họ, chất lượng được coi trọng hơn số lượng, tránh xa các sản phẩm dùng một lần, không bền vững và hạn chế thời trang nhanh.

Các công ty nên chú trọng vào nâng cấp dịch vụ và chất lượng – thậm chí ở phân khúc sản phẩm cao cấp cần cao cấp hơn nữa – để không chỉ lôi kéo người tiêu dùng mà còn thúc đẩy lòng trung thành với thương hiệu.

Cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt

Ba phần tư người tiêu dùng không thích nhìn thấy các công ty hưởng lợi từ khủng hoảng

Gần 20% người tiêu dùng toàn cầu bày tỏ lo ngại về khả năng chi trả các hóa đơn thiết yếu của họ – thậm chí tình hình tệ đến mức họ lo lắng về việc không thể chi trả các hóa đơn điện, nước. Những lo lắng này vượt ra ngoài những hạn chế về ngân sách, bao gồm cả thái độ rộng hơn đối với sự công bằng về kinh tế.

Nhiều người tiêu dùng tin rằng các công ty không nên thu lợi nhuận quá mức trong thời kỳ khủng hoảng, giống như các công ty năng lượng khi chi phí năng lượng tăng đột biến trong thời kỳ khủng hoảng. Các thương hiệu cần phải thận trọng vì người tiêu dùng có thể buộc họ phải chịu trách nhiệm về việc tăng giá.

Tác động thế hệ

Cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt đã có những tác động khác nhau đối với chi tiêu của người tiêu dùng qua các thế hệ. Thế hệ Baby Boomers, mặc dù là thế hệ giàu có nhất, đang cảm nhận được tác động sâu sắc của nó, phần lớn (60%) thế hệ Boomers cho biết cuộc khủng hoảng đã có những tác động đáng chú ý trong thói quen chi tiêu của họ khi họ áp dụng những lựa chọn tiết kiệm hơn.

Thế hệ Z dường như ít bị ảnh hưởng hơn, một phần do mức tài sản họ sở hữu tương đối thấp, vì nhiều thứ phải tốn chi phí lớn hơn như ô tô hoặc tài sản vẫn nằm ngoài tầm với của họ. Một số vẫn sống với cha mẹ – những người phải chịu trách nhiệm chi trả các khoản chi phí định kỳ trong gia đình. Điều này giúp Gen Z phân bổ nhiều nguồn lực hơn cho các hạng mục tùy ý nhỏ hơn cho bản thân. Nên họ vẫn chưa trải qua những ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng đối với cuộc sống hàng ngày so với các thế hệ khác – đặc biệt là thế hệ Millennials.

Sự trỗi dậy của sản phẩm chất lượng cao và cao cấp

Bất chấp những lo ngại về kinh tế ảnh hưởng đến chi tiêu, nhu cầu về các sản phẩm cao cấp vẫn mạnh mẽ trong thời kỳ biến động.  Khi người tiêu dùng ra quyết định mua hàng, họ ưu tiên chất lượng cao và những sản phẩm mang lại giá trị lâu dài. Điều này trùng hợp với sự sụt giảm trong việc người tiêu dùng coi giá thấp là yếu tố mua hàng chính của họ, ngoại trừ túi xách và phụ kiện.

Các thương hiệu nên tập trung vào việc tăng cường cung cấp sản phẩm chất lượng cao và cao cấp để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng này.

Cuộc cách mạng tiết kiệm

Người tiêu dùng đang cố gắng cân bằng giữa chất lượng, giá và giá trị sử dụng lâu dài. Giờ đây, họ có xu hướng khám phá những điểm mới, độc đáo ở sản phẩm và nhu cầu mua sắm đồ cũ tăng đột biến, Do đó, các cửa hàng nhỏ, chợ trời và các thương hiệu bán đồ cũ sẽ là những người được hưởng lợi khi người tiêu dùng tìm kiếm sự cân bằng giữa chất lượng với giá cả phải chăng – điều rất phổ biến trên thị trường đồ cũ. Sự thay đổi này phù hợp với sự thay đổi toàn cầu đang có xu hướng tới việc định giá thông qua chất lượng và tiêu dùng có ý thức bền vững.

(*) KEY TAKEAWAYS 1: Tóm lược xu hướng 1 & Chiến lược để thành công

  • Ưu tiên các sản phẩm có chất lượng hơn, cao cấp hơn: Đầu tư vào việc phát triển và quảng bá các sản phẩm chất lượng; cao cấp nhấn mạnh vào chất lượng và giá trị sử dụng lâu dài.
  • Chiến lược giá trong thời kỳ nhạy cảm: Hãy thận trọng khi thực hiện tăng giá, vì người tiêu dùng có thể phản ứng tiêu cực và cho rằng đó là hành vi trục lợi trong thời kỳ khủng hoảng.
  • “Đo ni đóng giày” cho từng thế hệ: Tạo các chiến lược tiếp thị riêng biệt để phù hợp với thói quen, hành vi khác nhau của từng thế hệ.
  • Tận dụng việc tái chế: Nếu có thể, thương hiệu hãy kết hợp hàng hóa cũ chất lượng hoặc sản phẩm dùng nguyên liệu tái chế để thu hút người tiêu dùng mới, điều này hiệu quả hơn là cố gắng cung cấp các mặt hàng giá rẻ nhưng chất lượng chất lượng thấp.

XU HƯỚNG 2: NGƯỜI TIÊU DÙNG CÓ TRÁCH NHIỆM, ĐẠO ĐỨC

Tính bền vững và trách nhiệm đạo đức được đặt lên hàng đầu trong việc ra quyết định. Tính bền vững không còn chỉ là một từ thông dụng mang tính cửa miệng mà người tiêu dùng có trách nhiệm sẽ mua hàng từ các thương hiệu thân thiện với môi trường kể cả trong thời điểm khó khăn.

Thương hiệu cần phải đầu tư vào tính bền vững và quảng bá chúng bằng cách sử dụng thông điệp rõ rang, hiệu quả, xây dựng thương hiệu mang tính bền vững và giá cả cạnh tranh. Bằng cách đó các thương hiệu có thể thu hút và giữ lấy ví của người tiêu dùng hiện đại, có ý thức xã hội.

Từ người xem với thái độ bàng quan đến nhà hoạt động tích cực cho sự bền vững

Một số lượng lớn người tiêu dùng tự nhận mình là Người chi tiêu có đạo đức. Các thương hiệu phải nhận ra rằng người tiêu dùng không còn chỉ là khán giả một cách bàng quan nữa; họ là tác nhân tích cực của sự thay đổi thông qua thói quen mua hàng hàng ngày của họ. Trên toàn cầu, ngày càng nhiều người tiêu dùng bắt đầu lựa chọn việc tiêu dùng có trách nhiệm hoặc mua sắm các sản phẩm của thương hiệu mang tính bền vững.

Tốt cho sức khỏe và bền vững là yếu tố phải có giúp thúc đẩy mua sắm

Việc theo đuổi những giá trị mang tín bền vững và đạo đức này đã định hình lại các ưu tiên của người tiêu dùng. Họ đặt chất lượng, sức khỏe và các nguyên tắc bền vững lên hàng đầu trong tiêu chí mua hàng FMCG của họ.

Những sản phẩm mang lại giá trị tốt hơn cho môi trường và thiên nhiên sẽ là động lực thúc đẩy người tiêu dùng lựa chọn một cách tự nhiên khi ý thức về tính bền vững ngày càng phát triển. Tuy nhiên, sức khỏe cũng là mối quan tâm đặc biệt trong thị trường thực phẩm và làm đẹp.

Các thương hiệu đang lập kế hoạch truyền thông với những key messages hay ho thú vị cũng nên bao gồm yếu tố tốt cho sức khỏe bên cạnh tính bền vững để thu hút người tiêu dùng có ý thức.

Tính bền vững đang dần trở thành thiết yếu

Việc người tiêu dùng sẵn sàng đầu tư nhiều hơn vào các sản phẩm bền vững bất chấp những thách thức kinh tế nhấn mạnh tầm quan trọng của xu hướng này. Người tiêu dùng có đạo đức sẵn sàng trả phí cao cho những hàng hóa thiết yếu phù hợp với giá trị của họ.

Tính bền vững hiện nay là điều cần thiết khi nghĩ đến việc định vị sản phẩm và thương hiệu. Với hơn 40% người tiêu dùng cho biết rằng sẵn sàng trả thêm tiền cho thực phẩm và đồ uống có tính bền vững, và trong 3 người thì có 1 người làm điều tương tự ở ngành làm đẹp & chăm sóc cá nhân (beauty & personal care), đồ gia dụng & giặt ủi (home & laundry), cũng như các mặt hàng may mặc & giày dép (apparel & footwear) nếu chúng có yếu tố bền vững.

Thông điệp vừa đủ là hiệu quả

Truyền tải thông điệp mang tính bền vững là điều tối quan trọng đối với các thương hiệu đang tìm cách tận dụng triệt để hầu bao của những người tiêu dùng có đạo đức, đặc biệt là khi nhắm mục tiêu đến Gen Z. Nhưng dù nhóm trẻ này sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho các sản phẩm bền vững nhưng quan điểm của họ tin rằng mọi người đều có thể tiếp cận mua sắm bền vững và rằng không nhất thiết phải gắn tính bền vững với hàng hóa xa xỉ hoặc cao cấp – cả về thông điệp lẫn giá cả – nên thông điệp liên quan đến tính bền vững nên vừa đủ sẽ hiệu quả, đặc biệt là với Gen Z.

Lợi ích của việc xây dựng thương hiệu bền vững

Để được công nhận cho những nỗ lực về ý thức môi trường, các thương hiệu cần phải đầu tư vào việc xây dựng thương hiệu bền vững vì người tiêu dùng sẽ có nhiều khả năng biết đến các sản phẩm có tính bền vững hơn khi chúng được truyền đạt rõ ràng thông qua thương hiệu từ đó giúp nhận biết tốt hơn, thiện cảm hơn & thúc đẩy hành vi mua hàng cao hơn.

Một ví dụ điển hình là Whole Foods Market ở Mỹ – họ đặt thông tin về tính bền vững lên hàng đầu và trung tâm, từ tên gọi đến giá trị cốt lõi của mình: “Mục đích của chúng tôi là nuôi dưỡng con người và hành tinh” (nguyên văn “Our purpose is to nourish people and the planet”).

Tiêu dùng có ý thức – những rào cản

Mặc dù tính bền vững, tiêu dùng có ý thức đang là xu hướng và đang yếu tố quyết định ngày càng mạnh đối với hành vi của người tiêu dùng có đạo đức nhưng ở thị trường các mặt hàng thiết yếu, vẫn tồn tại những thách thức:

  • Độ nhạy cảm về giá vẫn là một rào cản lớn, vì khi khủng hoảng xảy ra người tiêu dùng đứng trước lựa chọn giữa các giá trị đạo đức của họ với những hạn chế về ngân sách.
  • Ngoài ra, lòng trung thành với thương hiệu có thể gây trở ngại khiến người tiêu dùng bước đầu ngần ngại cắt đứt mối quan hệ với những cái tên quen thuộc, ngay cả khi họ được đưa ra các lựa chọn thay thế bền vững.

Để giải quyết các rào cản này các thương hiệu phải có chiến lược hợp lý nhằm cân bằng giữa giá và giá trị mang tính bền vững.

(*) KEY TAKEAWAYS 2: Tóm lược xu hướng 2 & Chiến lược để thành công

  • Xây dựng key message phù hợp: Xây dựng chiến lược thông điệp gây được tiếng vang với khan giả, nhấn mạnh độ tin cậy và cam kết thực sự đối với các hoạt động bền vững.
  • Ưu tiên xây dựng thương hiệu bền vững: Xây dựng hình ảnh một thương hiệu bền vững khi được thực hiện tốt có thể là một công cụ cực kỳ mạnh mẽ để thu hút những người tiêu dùng có đạo đức.
  • Thực hiện định giá mang tính thực tế: Cần thiết phải có chiến lược, phương thức thu hẹp khoảng cách giữa tính bền vững và khả năng chi trả của người tiêu dùng, để giúp tối đa có thể mọi người đều có thể tiếp cận những lựa chọn có ý thức về sinh thái. Nên nhớ rằng người tiêu dùng sẵn sàng trả nhiều tiền hơn nhưng mức giá xa xỉ không phải là tiêu chuẩn của số đông.

XU HƯỚNG 3: ZENTHUSIASTS – Gen Z thế hệ nhiệt huyết, năng động nhưng tâm lý yếu có xu hướng tìm giải pháp giảm căng thẳng, lo âu – bao gồm chất kích thích.

Theo khảo sát hầu hết Gen Z và 1 bộ phận Millennials thừa nhận rằng những yếu tố căng thẳng, lo âu ngày càng tăng trong cuộc sống, và rằng họ đang chủ động sắp xếp để có thời gian nghỉ ngơi nhiều hơn.

Những Zenthusiasts đang tích cực tìm kiếm sự thư giãn, thấu cảm thông qua các chuyên gia sức khỏe trực tuyến – những người khuyến khích việc dành thời gian cho bản thân nhiều hơn và các liệu pháp thay thế khác, thậm chí là viện tới chất kích thích như cần sa.

(*) Quan điểm cá nhân người dịch: đọc tới khúc này tự nhiên liên tưởng tới mấy cái dịch vụ chữa lành nở như nấm sau mưa dành cho giới trẻ hiện nay ở Việt Nam.

Và theo đó báo cáo chỉ ra rằng các công ty nên nắm bắt cơ hội phát triển các dịch vụ giúp Zenthusiast thư giãn nếu kết hợp với những người có ảnh hưởng để thu hút khách hàng sẽ thành công và sẽ là xu hướng mới.

Ảnh hưởng của căng thẳng và lo lắng

Chúng ta cùng đồng thuận rằng tình trạng căng thẳng và lo lắng đang rất phổ biến hiện nay ở mọi tầng lớp không chỉ là trong Gen Z & Millennials. Hơn 1/4 dân số thế giới đã báo cáo hoặc cho biết về các vấn đề về sức khỏe tâm thần họ mắc phải trong 12 tháng qua và phần lớn trong số này là những người thuộc thế hệ trẻ – đặc biệt là Gen Z.

Tuy nhiên, có một điểm khác so với trước đây – những thế hệ cũ – là những người này không chỉ sẵn sàng nói về vấn đề liên quan sức khỏe tâm thần họ đang mắc phải mà họ còn tích cực tìm kiếm giải pháp để giải quyết vấn đề đó.

Tác động của những người có ảnh hưởng trên trực tuyến

Khảo sát cho thấy vào năm 2024, hầu hết mọi người tiêu dùng đều tìm đến những người có ảnh hưởng trực tuyến để lấy cảm hứng – đặc biệt là Gen Z và Millennials. Những thế hệ trẻ này là những follower nhiệt thành của những influencers trên online và người sáng tạo nội dung trực tuyến.

Năm 2024 dự báo sẽ là năm đánh dấu độ tin cậy cao chưa từng có của lực lượng theo người theo dõi dành cho các influencers trực tuyến, khiến influencers trực tuyến, những người sáng tạo nội dung trực tuyến trở thành động lực thúc đẩy quyết định đến hành vi mua hàng của người tiêu dùng. Sự tin tưởng này còn mở rộng đến việc chứng thực sản phẩm, khi người tiêu dùng có xu hướng mua các mặt hàng được người sáng tạo nội dung mà họ theo dõi và yêu thích chứng thực.

Người sáng tạo nội dung trực tuyến là chuyên gia chăm sóc sức khỏe

Những người có ảnh hưởng không chỉ chứng thực sản phẩm; mà họ còn đưa ra lời khuyên, hướng dẫn và lời khuyên về lối sống. Người tiêu dùng tìm tới người tạo nội dung để được hỗ trợ trong việc quản lý sức khỏe cũng như đối phó với căng thẳng và lo lắng. Các thể loại nội dung chẳng hạn như lời khuyên, khả năng tự chữa lành, sức khỏe và thể chất, nằm trong số 10 danh mục phổ biến nhất.
Thế hệ Millennials và Gen Z tìm đến những influencers và người sáng tạo nội dung trực tuyến này thường xuyên để thiết lập được cơ chế đối phó với căng thẳng và âu lo chủ động hơn các thế hệ cũ.

Ngành công nghiệp làm đẹp chuyển đổi mô hình

Ngành công nghiệp làm đẹp đang từ bỏ vẻ hào nhoáng kiểu cũ để chuyển sang phong cách tự chăm sóc bản thân hợp xu hướng. Người tiêu dùng dưới 40 tuổi ngày càng nhận thấy sự quan trọng ngày càng tăng của việc tự chăm sóc bản thân, nhiều người chọn cách trang điểm tối giản hoặc thậm chí không trang điểm để làm nổi bật những nét tự nhiên của mình. Họ coi thói quen làm đẹp như một phương tiện để thư giãn nhằm thoát khỏi căng thẳng hàng ngày và có xu hướng tìm đến các cơ sở chăm sóc sức khỏe và spa như một phần của thói quen tự chăm sóc bản thân, điều mà họ tin rằng sẽ góp phần mang lại hạnh phúc và sức khỏe tổng thể.

Tái tạo trẻ hóa làn da và thói quen hình thành từ xu hướng

Tái tạo và trẻ hòa làn da đang dần là nhu cầu phổ biến trên toàn cầu và phản ánh sự thay đổi xã hội rộng lớn hơn hướng tới hạnh phúc toàn diện. “Less is more” – là quy trình chăm sóc da gồm nhiều bước hơn, tốn thời gian hơn, khuyến khích sử dụng mỹ phẩm ở mức tối thiểu (thậm chí dưới mức tối thiểu) đang được phổ biến rộng rãi và mạnh mẽ trên các nền tảng Tiktok và Douyin, và được Gen Z lẫn Millennials đón nhận nhiệt tình.

Cần sa – một phương pháp giảm căng thẳng dần chuyển biến thành văn hóa

Cần sa cũng đã nổi lên như một liệu pháp thay thế nổi bật để kiểm soát căng thẳng và lo lắng. Một con số đáng kinh ngạc là 45% người tiêu dùng Zenthusiasts đã kết hợp nó vào thói quen chăm sóc sức khỏe của họ. Đáng chú ý, việc chế biến chúng thành đồ ăn và kết hợp với thuốc lá điện tử đang nổi lên như một phương pháp ưa thích so với cách sử dụng truyền thống

Môt vài số liệu khảo sát cho thấy có tới 44% người tìm tới cần sa để giảm lo lắng và hơn 43% người tìm tới cần sa để thư giãn hơn

(*) KEY TAKEAWAY 3: Tóm lược xu hướng 3 – Chiến lược để thành công

  • Hợp tác & sử dụng influencer marketing: Hợp tác với những người có ảnh hưởng mảng sức khỏe kết hợp với một kế hoạch nội dung phù hợp với việc giảm căng thẳng và lo lắng để tạo sự kết nối chân thực với đối tượng mục tiêu và từ đó tạo dựng niềm tin.
  • Nội dung tùy chỉnh theo đối tượng mục tiêu:Tạo nội dung phù hợp với thế hệ Millennials và Gen Z, tập trung vào việc giảm căng thẳng. Giới thiệu sản phẩm hoặc dịch vụ một cách dễ hiểu, đồng cảm, làm nổi bật lợi ích quản lý và giảm căng thẳng.
  • Phát triển sản phẩm phù hợp:Tạo ra các dịch vụ chăm sóc bản thân toàn diện, nhấn mạnh việc giảm căng thẳng trong thông điệp thương hiệu. Chia sẻ những câu chuyện thành công đích thực để xây dựng niềm tin và lòng trung thành.

XU HƯỚNG 4: DATA AD-VOCATES – ỦNG HỘ CUNG CẤP DỮ LIỆU & QUẢNG CÁO CÁ NHÂN HÓA
Theo số liệu khảo sát được thì đã tới lúc nói lời tạm biệt với kiểu một quảng cáo dành cho tất cả mọi người. Người tiêu dùng thực ra không quan tâm nhiều đến quyền riêng tư dữ liệu cá nhân nếu việc cung cấp dữ liệu đồng thời có nghĩa là họ nhận được nội dung và trải nghiệm được cá nhân hóa, vì hầu hết cho biết họ sẵn lòng cung cấp dữ liệu nếu quảng cáo target đúng được sở thích, lối sống và nhu cầu của họ
Các công ty không điều chỉnh chiến dịch quảng cáo của mình có nguy cơ bị người tiêu dùng bỏ qua hoặc thậm chí là bị block, nhưng khi được thực hiện hiệu quả, việc cá nhân hóa có thể là một cách hiệu quả để thu hút khách hàng mới thay vì họ tắt chúng đi.

Từ bực tức đến đánh giá cao

Vào những năm trước, người tiêu dùng sẽ cảm thấy khó chịu bởi các quảng cáo trực tuyến mang tính xâm phạm như cửa sổ bật lên, video tự động phát và các quảng cáo không liên quan. Nhưng bây giờ báo cáo cho thấy sự khó chịu này đã giảm đáng kể, người tiêu dùng ngày càng đánh giá cao những quảng cáo phù hợp và phù hợp đến mức bất ngờ, dẫn đến nhận thức của người dùng với quảng cáo tích cực hơn so với trước đây.

Giảm bớt mối lo ngại về việc thu thập dữ liệu

Quảng cáo được nhắm mục tiêu và nội dung trực tuyến tùy chỉnh không còn là vấn đề gây khó chịu cho người tiêu dùng. Trước đây, người tiêu dùng cảnh giác với các công ty thu thập dữ liệu của họ – đặc biệt là dựa trên lịch sử tìm kiếm – những lo ngại về quyền riêng tư dữ liệu đã từng được đặt lên hàng đầu ở cấp độ cao nhất trên toàn thế giới nhưng giờ đây, những người ủng hộ chia sẻ dữ liệu sẵn sàng chia sẻ thông tin nếu thương hiệu minh bạch về cách họ sử dụng thông tin dữ liệu.

Ví dụ ở Hoa Kỳ, người tiêu dùng cởi mở hơn với ý tưởng doanh nghiệp sử dụng dữ liệu của họ để cung cấp quảng cáo siêu cá nhân hóa (hyperpersonalized advertisements) và chỉ khoảng dưới 30% cho biết họ thấy điều này gây khó chịu. Những lợi ích của phương pháp này, chẳng hạn như các đề xuất phù hợp và trải nghiệm mua sắm mượt mà hơn, dường như đã thuyết phục được cả những người tiêu dùng khó tính nhất.

Từ chối sử dụng trình chặn quảng cáo

Trình chặn quảng cáo (ad block), từng là giải pháp phù hợp cho người tiêu dùng muốn tránh những quảng cáo không mong muốn, có thời điểm có tới 1/3 người tiêu dùng trên thế giới sử dụng trình chặn quảng cáo (năm 2019), nhưng đến năm 2023 tỷ lệ sử dụng trình chặn quảng cáo đã giảm một cách đáng kể.

Nền kinh tế online seeding/feedback và niềm tin giảm sút

Niềm tin vào đánh giá của khách hàng trên môi trường trực tuyến đã giảm sút. Tại sao? Người tiêu dùng đang ngày càng trở nên sáng suốt hơn – họ nhận ra bóng dáng của doanh nghiệp sau mỗi bài feedback, cho dù bài phản hồi đánh giá đó là do con người thực hiện hay là được tạo tự động bằng bot – và họ dần mất niềm tin vào các seeding & feedback online. Khi niềm tin này bị xói mòn, cùng với việc dần thiện cảm hơn với nội dung tùy chỉnh phù hợp theo đối tượng, người tiêu dùng thích những đề xuất được cá nhân hóa hơn là những phản hồi không đáng tin cậy.

Vào năm 2019, hơn 60% người tiêu dùng cho biết các bài đánh giá, phản hồi của khách hàng hữu ích, con số này giảm xuống dưới 40% vào năm 2023. Quảng cáo được cá nhân hóa sẽ là yếu tố then chốt vào năm 2024, là một xu hướng nhất quán trên toàn thế giới.

(*) KEY TAKEAWAY 4: Tóm lược xu hướng 4 – Chiến lược để thành công

  • Tận dụng tính năng siêu cá nhân hóa: Tạo quảng cáo và nội dung phù hợp để thu hút khách hàng mục tiêu một cách hiệu quả hơn. Phân chia đối tượng mục tiêu thành các nhóm nhỏ hơn và điều chỉnh thông điệp tiếp thị, đề xuất sản phẩm và ưu đãi cho phù hợp với nhu cầu và sở thích riêng của họ.
  • Xây dựng niềm tin thông qua sự minh bạch: Cởi mở về các phương pháp thu thập dữ liệu và cách sử dụng thông tin khách hàng. Nhấn mạnh tính bảo mật và quyền riêng tư của dữ liệu. Truyền tải thông tin này để xây dựng lại niềm tin của người tiêu dùng và thúc đẩy nhận thức tích cực về thương hiệu.
  • Tận dụng nội dung do người dùng tạo nhưng: Khuyến khích và khuếch đại nội dung do người dùng tạo một cách tự nhiên. Tích cực tìm kiếm và giới thiệu các đánh giá, lời chứng thực xác thực cũng như ảnh và video do người dùng tạo một cách tự nhiên & tự nguyện. Dù niềm tin giảm sút nhưng đây vẫn là công cụ đắc lực để xây dựng uy tín và sự tin cậy của khách hàng tiềm năng, quan trọng là cách thực hiện rõ rang và minh bạch.

Hy vọng bài dịch chi tiết về sách trắng Consumer Insights must-watch – Consumer trends for 2024 của Statista Consumer Insights này có thể giúp ích được các bạn trong năm 2024.

Nguồn: Consumer Insights Must-watch – Consumer trends for 2024 của Statista

Lược dịch: Võ Quốc Hưng – CGO của Tonkin Media

 

Nếu bạn thấy có ích hãy like & follow fanpage của Adtimes để nhận được thêm các thông tin hữu ích sớm nhất nhé.
Link fanpage https://www.facebook.com/AdTimes.vn/

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here