* Đầu tiên, có gần như toàn bộ báo cáo ở cuối bài viết này.
Meta, Bain & Company (là bên phối hợp Google cho ra các báo cáo hàng năm như SEA e-Conomy …), DSG Consumer Partners, đã công bố báo cáo thường niên SYNC Đông Nam Á ‘Những bước đi táo bạo: Dẫn đầu làn sóng tăng trưởng tiêu dùng tiếp theo của Đông Nam Á. Báo cáo tiết lộ những hiểu biết sâu sắc về bối cảnh ngày càng phát triển của người tiêu dùng Đông Nam Á và sự đa dạng này mang đến những cơ hội quan trọng như thế nào cho các doanh nghiệp trong khu vực cả trong ngắn hạn và dài hạn.
Báo cáo SYNC Đông Nam Á năm nay được thực hiện thông qua khảo sát khoảng hơn 9.000 người tiêu dùng kỹ thuật số và phỏng vấn nhiều nhà quản lý trải nghiệm khách hàng tại sáu quốc gia Đông Nam Á, bao gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Những người tiêu dùng kỹ thuật số được khảo sát đều đã mua trực tuyến ít nhất hai loại sản phẩm trong ba tháng gần nhất và đều trên 15 tuổi.
Báo cáo năm nay dài 62 trang, ngoài một số thông tin về tình hình kinh tế xã hội, dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng thu nhập thì phần lớn báo cáo nói về các xu hướng tiêu dùng sẽ định hình tăng trưởng cho Đông Nam Á, theo đó sẽ bao gồm 7 xu hướng: 1/ Xuất hiện những nhu cầu mới và người tiêu dùng tìm kiếm những giá trị cộng thêm.
2/ GenZ ngày càng có sức ảnh hưởng.
3/ Sự trỗi dậy của kinh tế độc thân.
4/ Sự trỗi dậy của những tay chơi mới & đánh cắp thị phần từ những bên cũ kỹ.
5/ Lo ngại về sức khỏe ngày càng tăng – nhưng nói & làm là 2 phạm trù khác nhau.
6/ Cá nhân hóa ngày càng quan trọng.
7/ AI đang định hình hàng trình của người tiêu dùng (consumer journey).
Và 7 xu hướng này có thể tóm tắt bằng các ý sau:
Xuất hiện hệ thống phân cấp mới giữa nhu cầu và mong muốn của người tiêu dùng
Theo báo cáo, có 39% người tiêu dùng mà được khảo sát ở Đông Nam Á cho biết mức chi tiêu trung bình đã giảm trong năm qua, với lý do lo ngại hàng đầu về ổn định kinh tế (63%) và chi phí sinh hoạt (58%).
Trong đó, mức giảm chi tiêu lớn nhất được quan sát thấy là ở rượu và đồ điện tử, trong khi các danh mục thực phẩm, chăm sóc cá nhân và sức khỏe vẫn ổn định.
Tuy nhiên, báo cáo cũng cho thấy rằng mặc dù chi tiêu giảm nhưng người tiêu dùng vẫn đang sắp xếp lại những gì họ cho là nhu cầu so với mong muốn. Những thứ xa xỉ được đề cập trước đây như đi ăn ngoài hàng tuần, quần áo hàng hiệu và các thiết bị mới nhất đã chuyển sang những gì người tiêu dùng coi là “nhu cầu” mới. Và mua sắm qua mạng xã hội hay thông qua phát trực tuyến (livestream) đang nổi lên như một kênh mua sắm chính.
Thế hệ Z và nền kinh tế độc thân (solo economy) là những nhóm quan trọng cần lưu tâm
Theo báo cáo, dân số ở trong tuổi lao động ở Đông Nam Á dự kiến sẽ tăng thêm 24 triệu người vào năm 2030. Với tốc độ tăng trưởng thu nhập cũng như tầng lớp trung lưu và thượng lưu ngày càng tăng, khu vực này đang tiến gần hơn đến điểm hoàn hảo sẽ đẩy nhanh quỹ đạo tăng trưởng tiêu dùng, mà trong đó hai phân khúc người tiêu dùng đặc biệt thúc đẩy sự tăng trưởng này – Thế hệ Z và hộ gia đình độc thân.
Thế hệ Z hiện chiếm 23% tổng dân số Đông Nam Á, trong khi nền kinh tế độc thân- bao gồm các cá nhân và hộ gia đình độc thân – đang phát triển và được thúc đẩy bởi ba nhóm nhân khẩu học chính – người độc thân lớn tuổi, chuyên gia trẻ và những người trẻ di cư tới thành thị. Sự thay đổi về quy mô hộ gia đình độc thân dự kiến sẽ rõ rệt nhất ở Philippines, Singapore và Thái Lan, nơi dự kiến sẽ tăng 20% vào năm 2030.
“Khu vực Đông Nam Á đã chứng tỏ khả năng phục hồi trong bối cảnh suy thoái toàn cầu và tâm lý người tiêu dùng đang phục hồi ở hầu hết các thị trường. Đây là cơ hội tuyệt vời để các doanh nghiệp giải quyết nhu cầu của khoảng 700 triệu người tiêu dùng trong nền kinh tế trị giá 4 nghìn tỷ USD được dự báo sẽ tăng trưởng ở mức 4,6% đến năm 2030 (so với 2,7% trên toàn cầu). SEA đã nhiều lần thể hiện tầm quan trọng của mình với tư cách là một phần của các nhà đầu tư; danh mục đầu tư có giá trị toàn cầu đáng kể và tác động đến lợi nhuận và thua lỗ. Để phát huy hết tiềm năng của khu vực, cần phải có những bước đi táo bạo: xem xét lại tham vọng SEA bằng cách ưu tiên, sắp xếp trình tự và quan trọng nhất là đầu tư cho các kế hoạch. Các công ty cũng nên quan tâm hơn với người tiêu dùng địa phương và phát triển các mô hình hoạt động để đáp ứng nhu cầu tại từng địa phương – cân bằng giữa lợi thế quy mô hiện tại và tư duy đột phá,” – Praneeth Yendamuri, Partner tại Bain & Company chia sẻ.
Theo báo cáo, Gen Z rất coi trọng tính cá nhân, tính xác thực và bản sắc hơn các thế hệ khác. Gen Z không chỉ chú trọng vào digital mà còn tích cực tương tác trong các cộng đồng kỹ thuật số – 82% số người được khảo sát cho biết họ là thành viên của cộng đồng trực tuyến nào đó.
AI đang thúc đẩy quá trình cá nhân hóa
Trong khi Gen Z đi đầu trong hành vi ưu tiên kỹ thuật số ở Đông Nam Á thì các thế hệ cũ đang nhanh chóng bắt kịp và không bị tụt hậu quá xa trong việc thử nghiệm công nghệ mới. Việc tất cả các thế hệ trong khu vực đang dành nhiều thời gian hơn trên mạng và thử nghiệm các công nghệ mới như AI, VR và công nghệ y tế sẽ ảnh hưởng đến cách các doanh nghiệp Đông Nam Á có thể tương tác thành công với người tiêu dùng.
Báo cáo này xác định cách các doanh nghiệp ở Đông Nam Á bắt đầu sử dụng AI cho mục đích tiếp thị và giải quyết các vấn đề cụ thể theo từng khu vực, chẳng hạn như ngôn ngữ, văn hóa và sở thích đa dạng. “AI đang mang lại trải nghiệm tốt hơn cho mọi người và mang lại kết quả tốt hơn cho doanh nghiệp. Tại Meta, chúng tôi đang kết hợp công cụ khám phá được hỗ trợ bởi AI với kết nối xã hội luôn là cốt lõi của nền tảng của chúng tôi để mang lại trải nghiệm phù hợp, giải trí và phù hợp với từng địa phương hơn. Với các công cụ mới có khả năng tác động lớn, không có gì ngạc nhiên khi các nhà tiếp thị trên khắp Đông Nam Á đã bắt đầu dựa vào AI để thúc đẩy mức độ tương tác và hiệu suất có hiệu quả lớn hơn.” – Benjamin Joe, Phó Chủ tịch, khu vực Đông Nam Á và Thị trường mới nổi tại Meta cho biết.
Về những gì sắp xảy ra, báo cáo cho thấy 73% lãnh đạo doanh nghiệp được khảo sát đã nhận ra các cơ hội từ AI nhưng cũng thừa nhận rằng họ chưa sẵn sàng để nắm bắt chúng. Báo cáo gợi ý rằng việc tập trung vào tiếp thị cá nhân hóa và đầu tư vào các công cụ AI để hỗ trợ cá nhân hóa trên quy mô lớn sẽ cho phép các doanh nghiệp tiếp cận hiệu quả người tiêu dùng Đông Nam Á và thúc đẩy ROI mạnh mẽ. Ông Joe cho biết: “Việc sử dụng AI giờ đây quan trọng hơn bao giờ hết đối với các doanh nghiệp muốn phát triển mạnh trong bối cảnh kỹ thuật số ngày càng phát triển của Đông Nam Á”.
Sự trỗi dậy của những tay chơi mới – những kẻ gây rối
Những tay chơi mới hay những kẻ gây rối được xác định là những thương hiệu mới tham gia thị trường và đang tăng doanh thu nhanh gấp 5 lần so với tốc độ tăng trưởng trong danh mục của họ, nhóm này hiện đang thành công và lấy về doanh thu 52 tỷ USD chỉ riêng ở Đông Nam Á (chiếm 23% thị phần vào năm 2022) ở các mảng bao gồm sắc đẹp, chăm sóc cá nhân và thực phẩm đóng gói.
“Những kẻ gây rối mới nổi là những thương hiệu mới có tuổi đời dưới 10 năm đã chứng tỏ được sự tăng trưởng thị phần mạnh mẽ. Với việc xuất hiện những nhu cầu mới và sự không hài lòng với những gì các thương hiệu hiện tại cung cấp, không có gì ngạc nhiên khi người tiêu dùng Đông Nam Á đang lựa chọn những sản phẩm đột phá nổi bật để đáp ứng những nhu cầu chưa được đáp ứng và kỳ vọng ngày càng tăng của họ,” – ông Sameer Mehta, Giám đốc khu vực Đông Nam Á tại DSG Consumer Partners cho biết.
Bản “gần” full của báo cáo tại đây:
Nguồn: Meta, Bain & Company, DSG Consumer Partners
Lược dịch & chia sẻ: Võ Quốc Hưng – CGO của Tonkin Media
Nếu bạn thấy có ích hãy like & follow fanpage của Adtimes để nhận được thêm các thông tin hữu ích sớm nhất nhé.
Link fanpage https://www.facebook.com/AdTimes.vn/