Như thường lệ cuối tháng 10 đầu tháng 11 hàng năm thì Google sẽ kết hợp với Temasek cùng Bain & Company sẽ cung cấp Báo cáo về kinh tế số của khu vực Đông Nam Á (e-Conomy SEA) định kỳ mỗi năm.
Năm nay cũng thế, và tiếp theo chủ đề khởi sướng từ năm 2021 là “Thập kỷ kỹ thuật số Đông Nam Á” thì chủ đề của báo cáo năm nay với 126 trang là “Vượt qua sóng dữ, tiến đến đại dương cơ hội”.
Phần đầu bài viết này tôi sẽ tóm tắt tổng quan báo cáo và phần tiếp theo sẽ tóm tắt số liệu về nền kinh tế số Việt Nam trong năm 2022 (trang 120 trong báo cáo).
A. TÓM TẮT TỔNG QUAN
Báo cáo năm nay sẽ cung cấp số liệu tổng quan, sự phát triển, đầu tư của 5 lĩnh vực hàng đầu của nền kinh tế số là:
1/ Thương mại điện tử (E-commerce): Thị trường (Marketplaces), D2C (Direct-to-consumer), Tạp hóa (Groceries).
2/ Vận chuyển & thực phẩm (Transport & food): Vận chuyển (Transport), Giao nhận thực phẩm (Food delivery).
3/ Du lịch trực tuyến (Online travel): Vé máy bay (Flights), Khách sạn (Hotels), Kỳ nghỉ (Vacation rentals).
4/ Truyền thông trực tuyến (Online media): Quảng cáo (Advertising), Gaming, Video the nhu cầu (Video-on-demand), Nhạc theo nhu cầu (Music-on-demand).
5/ Dịch vụ tài chính (Financial services): Thanh toán (Payments), Kiều hối (Remittances), Cho vay (Lending), Bảo hiểm (Insurance), Đầu tư (Investments).
Và có đề cập tới 4 mảng non trẻ là: Công nghệ sức khỏe (Healthtech), Phần mềm dịch vụ (SaaS), Công nghệ giáo dục (Edtech) và Web3.
Ngoài ra thì báo cáo còn đề cập nhiều tới các vấn đề có thể tóm tắt như sau:
- Xu hướng kinh tế vĩ mô: Các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á bắt đầu bình thường trở lại như trước đại dịch, nhưng thách thức hiện nay là những cơn gió ngược toàn cầu bắt đầu thổi, đe dọa làm trật bánh răng phục hồi nền kinh tế, như: lãi suất tăng, bóng ma áp lực lạm phát cao cũng đã và đang tác động đến nhu cầu của người tiêu dùng, đặc biệt là tác động không nhỏ tới các lĩnh vực đóng vai trò cốt lõi của nền kinh tế kỹ thuật số.
- Thị trường vẫn tiến tới mốc 200 tỷ đô la dù biến động: Bất chấp những khó khăn kinh tế vĩ mô này, nền kinh tế kỹ thuật số của SEA vẫn đang trên đà đạt 200 tỷ đô la tổng giá trị hàng hóa (GMV) vào năm 2022. Đây là tín hiệu vui vì thực tế đạt đến ngưỡng này sớm hơn ba năm so với dự kiến trong báo cáo e-Conomy SEA 2016. Việc áp dụng kỹ thuật số vẫn tiếp tục gia tăng mạnh mẽ, dù tốc độ hiện nay có chậm hơn so với tốc độ tăng vũ bão khi thị trường đang đỉnh cao của đại dịch.
- Người tiêu dùng thành thị vẫn là nhân tố chính thúc đẩy nền kinh tế: Tại các khu vực thành thị, người tiêu dùng giàu có và thế hệ GenZ (người bản địa của môi trường số) tiếp tục là nhân tố thúc đẩy chính cho nền kinh tế số. Đối với hai phân khúc này, cơ hội tăng trưởng nằm thách thức làm sao có thể tác động sâu hơn đến đời sống của họ để có thể gia tăng lượng đơn đặt hàng, bán kèm/bán chéo hoặc giá trị đơn hàng sau cao hơn đơn hàng trước, cho vay tiêu dùng … Trong khi đó, mức độ chấp nhận và chi tiêu của người tiêu dùng ngoại ô vẫn thấp hơn, khiến những bên tham gia nền kinh tế số phải tìm ra những cách bền vững hơn về mặt kinh tế để tiếp cận và phục vụ họ.
- Xu hướng tăng trưởng khác nhau tại các mảng: Các lĩnh vực kinh tế số chính tại Đông Nam Á đang đi theo ba xu hướng riêng biệt.
- Thương mại điện tử tiếp tục quỹ đạo tăng trưởng nhưng theo đường cong hình chữ S sau khi đã tăng trưởng theo phương thẳng đứng trong đại dịch.
- Những mảng khác, chẳng hạn như giao nhận thực phẩm và phương tiện truyền thông trực tuyến, đang quay về đúng với bản chất sau hai năm tăng đột biến.
- Và cuối cùng, du lịch và vận tải đang phục hồi theo hình chữ U, so với mức độ phát triển trước đại dịch thì vẫn còn cách khá xa.
- Điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh dịch vụ tài chính: Việc sử dụng các Dịch vụ tài chính kỹ thuật số (DFS – Digital Financical Services) đã phát triển mạnh mẽ trên diện rộng với sự tác động của nhiều lý do. Tuy nhiên, với lãi suất tăng và môi trường cho vay rủi ro hơn, những tay chơi fintech, nền tảng và ngân hàng kỹ thuật số (digibank) mới ra mắt sẽ thấy họ đang trong giai đoạn chịu áp lực căng thẳng. Trong khi đó, các ngân hàng truyền thống và công ty bảo hiểm đang nhanh chóng số hóa các dịch vụ của họ nhằm duy trì vị thế vững chắc đối với người tiêu dùng.
- Đầu tư thận trọng: Đầu tư vào công nghệ tại Đông Nam Á vẫn diễn ra mạnh mẽ trong năm nay. Tuy nhiên, chúng ta sẽ thấy có sự khác biệt về đầu tư giữa 2 giai đoạn đầu và cuối: các thỏa thuận đầu tư vào các start-up giai đoạn non trẻ (những vòng gọi vốn đầu) diễn ra sôi động và mạnh mẽ hơn so với sự sụt giảm mạnh các thỏa thuận đầu tư cho những vòng gọi vốn sau – điều này cũng khiến nhiều kế hoạch IPO đang tạm dừng. Trong khi đó, DFS đã vượt qua thương mại điện tử về số lượng đầu tư. Các nhà đầu tư sẽ thận trọng trong ngắn hạn, tuy nhiên hầu hết các nhà đầu tư vẫn lạc quan vào tiềm năng trung và dài hạn của SEA và luôn có khoản 15 tỷ đô đang đợi sẵn để xuống tiền. Đặc biệt sự quan tâm ngày càng tăng đối với các thị trường mới nổi, như Philippines và Việt Nam, cũng như các lĩnh vực non trẻ như SaaS và Web3.
- Hướng tới sự phát triển bền vững: Nền kinh tế số tại Đông Nam Á dự kiến sẽ tạo ra 20 tấn khí thải vào năm 2030 – không đáng kể và ở mức độ thấp hơn so với các lĩnh vực tác động môi trường khác. Nhưng những bên tham gia nền kinh tế số đã và đang triển khai các sáng kiến nhằm giảm thiểu và tái chế rác thải, và hy vọng có thể giảm tác động lên tới 30 – 40% so với con số dự kiến. Trong đó, các nền tảng có thể đóng một vai trò tích cực trong việc nâng cao nhận thức của người tiêu dùng Đông Nam Á và dần tiến tới thu hẹp khoảng cách “nói là làm” thay vì chỉ hô hào.
- Đóng góp kinh tế đi đôi với đáp ứng các mối quan tâm của xã hội: Về mặt xã hội, nền kinh tế số đã tạo ra khoảng 160.000 (một trăm sáu mươi ngàn) việc làm tay nghề cao và hỗ trợ gián tiếp gần 30 triệu việc làm, đồng thời các nền tảng tạo ra hơn 20 triệu thương gia và gần 6 triệu nhà hàng đang phát triển doanh nghiệp của họ trên môi trường trực tuyến. Tuy nhiên, vẫn tồn tại những mối quan tâm xung quanh vấn đề phúc lợi của nhân công, đòi hỏi sự đối thoại giữa các tổ chức và nền tảng.
- Lập lộ trình phát triển thập kỷ kỹ thuật số:
- “Thập kỷ kỹ thuật số” của SEA vừa bắt đầu – từ 2021 đến 2030. Lộ trình vượt 300 tỷ đô la vào năm 2025 phụ thuộc vào khả năng phục hồi trong bối cảnh những bất ổn hiện nay, trong khi con đường tiến tới nền kinh tế số đạt 600 tỷ đô la vào năm 2030 như dự kiến vẫn hướng đến các nguyên tắc cơ bản về kinh tế của Đông Nam Á, và việc chú trọng phát triển bền vững cũng có 1 tác động không hề nhỏ.
- Các yếu tố hỗ trợ hiện tại như thanh toán và chuyển phát (logistic) đã có, nhưng thách thức về con người hiện đang chuyển từ số lượng sang chất lượng. Các yếu tố tác động khác ví dụ như là người tiêu dùng nông thôn cũng là chìa khóa để mở ra toàn bộ tiềm năng của SEA.
- Nhìn chung, nền kinh tế số của Đông Nam Á trong thập kỷ kỹ thuật số (2021-2030) vẫn rất lạc quan dựa trên các tín hiệu tích cực của nguyên tắc cơ bản về kinh tế và xã hội.
B. TÓM TẮT VỀ THỊ TRƯỜNG KINH TẾ SỐ VIỆT NAM 2022
– Tổng quan: 55% người tiêu dùng Việt Nam chia sẻ sẵn sàng trả nhiều hơn cho một sản phẩm hoặc dịch vụ bền vững.
– Về mặt tăng trưởng (growth): Nền kinh tế số Việt Nam đã đạt khoảng 23 tỷ đô la vào năm 2022 và dự kiến sẽ đạt gần 50 tỷ đô la vào năm 2025; là thị trường phát triển nhanh nhất của khu vực do lĩnh vực thương mại điện tử đang bùng nổ.
DFS phát triển mạnh mẽ, và bước nhảy vọt lớn nhất là trong lĩnh vực cho vay với tốc độ tăng trưởng kép đạt gần 56%; đầu tư kỹ thuật số dự kiến chỉ có thể phát triển mạnh từ năm 2025
– Về mặt đầu tư: Số lượng các thỏa thuận đầu tư tăng gần 60% nhưng giá trị giao dịch giảm một nửa, phản ánh sự thận trọng của nhà đầu tư trong việc triển khai vốn giai đoạn cuối. Cụ thể trong nửa đầu năm 2022 có 148 deals thành công, trong đó Thương mại điện tử là mảng ưa thích của các nhà đầu tư với gần 230 triệu đô la được đầu tư, tiếp đến là mảng Truyền thông trực tuyến với 190 triệu đô la và đứng thứ 3 là mảng Dịch vụ tài chính số (DFS).
Để chi tiết hơn mời các bạn xem báo cáo ở link được chia sẻ sau đây (số liệu về Việt Nam bắt đầu từ trang 120).
LINK ĐỂ TẢI TOÀN BỘ BÁO CÁO TẠI ĐÂY
Link fanpage https://www.facebook.com/AdTimes.vn/