I. TỔNG QUAN và ĐỘNG LỰC ĐỊNH HÌNH NGÂN HÀNG SỐ TẠI VIỆT NAM và ĐÔNG NAM Á
Ngành tài chính Đông Nam Á (SEA) đang nổi lên như là một ngôi sao, là điểm sáng và là một trong những khu vực phát triển nhanh chóng nhất ở Châu Á – một ngành đang liên tục thay đổi để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, đặc biệt là trong kỷ nguyên số ngày nay. Digital Bank (Ngân hàng số) – một khái niệm không phải là mới đối với Đông Nam Á – nhờ có được động lực đặc biệt mạnh mẽ là trong đại dịch toàn cầu cách đây vài năm đã nổi lên như một thế lực tiềm năng. Những gì ban đầu được giới trẻ và những người thích thử những cái mới đón nhận thì giờ đã trở thành một khía cạnh gần như là thiết yếu khi nói về hoạt động ngân hàng đối với khách hàng trên khắp Đông Nam Á.
Tổng quan
Trong những năm gần đây, những ngân hàng số đang hiện hữu ở Đông Nam Á nổi bật lên như hình mẫu của khả năng cạnh tranh do sự cạnh tranh cực kỳ khốc liệt trong khu vực. Đặc biệt, trong bối cảnh Đông Nam Á đang chứng kiến sự chuyển đổi kép; một bên là các ngân hàng truyền thống đã thích nghi với kỷ nguyên số, và một bên là các ngân hàng số đã liên tục mở rộng sự hiện diện và dịch vụ của mình, đánh dấu sự thay đổi năng động trong bối cảnh tài chính của khu vực.
Sự phát triển mạnh mẽ này trong lĩnh vực tài chính ở Đông Nam Á không chỉ định nghĩa lại cách mọi người tiếp cận và quản lý tiền của mình mà còn tác động đến động lực kinh tế rộng lớn hơn – cụ thể là ở cả khu vực Châu Á. Vì Châu Á đang đóng vai trò quan trọng trong toàn bộ bối cảnh ngân hàng số thế giới – chiếm khoảng 1/5 số lượng digital bank trên thế giới. Và phần đa các ngân hàng này được thành lập trong khoảng thời gian từ năm 2016 đến năm 2020.
Hầu hết Ngân hàng số tại Việt Nam, Indonesia, Thái Lan được lập và ra mắt bởi các định chế tài chính truyền thống.
Trong khi đó hầu như tất cả các Ngân hàng số ở Singapore, Malay, Philippines thì hoàn toàn ngược lại, họ là digital bank độc lập.
Hình ảnh này cho thấy Đông Nam Á là một thị trường đầy hứa hẹn cho các ngân hàng số trong tương lai. Và theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới (World Economic Forum) thống kê thì có hơn 60% dân số trong khu vực không có tài khoản ngân hàng hoặc có tài khoản ngân hàng không đầy đủ (tài khoản ngân hàng số).
Động lực định hình
Ngoài ra, theo số liệu từ các báo cáo: BCG Global Revenue; BCG Asean Banking Revenue; Ngân hàng Thế giới … thì tỉ lệ người dân có tài khoản ngân hàng đầy đủ lần lượt trong Top 6 tại Đông Nam Á là Singapore 98%, Malaysia 85%, Thái Lan 82%, Indo 49%, Philippines 32% và Việt Nam 31% (khá bất ngờ số này của Việt Nam) nên không có gì ngạc nhiên khi các ngân hàng số có sức hấp dẫn đáng kể đối với cả người tiêu dùng và cả doanh nghiệp, vì có một thực tế xét toàn cảnh Đông Nam Á dựa theo các báo cáo thì ở các nước này hầu hết dân số chưa được tiếp cận dịch vụ ngân hàng đáng kể. Thêm 1 số liệu nữa là điều này là theo báo cáo Southeast Asia’s Digital Growth là gần 50% người dùng Đông Nam Á đang dùng ví điện tử cho các giao dịch thường ngày – điều này cho thấy sự sẵn sàng tiêp nhận cái mới của người dùng và thể hiện rất rõ tiềm năng lẫn cơ hội để các ngân hàng số khai thác. Tất cả những điều này là động lực đáng kể để các nước Đông Nam Á trở thành ứng viên hàng đầu cho quá trình chuyển đổi thành công của các ngân hàng số.
Số lượng người dùng internet ngày càng tăng và quy mô của nền kinh tế internet ở Đông Nam Á cũng là động lực định hình
Xu hướng xã hội và nhân khẩu học ở Đông Nam Á cũng là yếu tố có khả năng thúc đẩy tăng trưởng đáng kể tiềm năng trong lĩnh vực ngân hàng số. Đông Nam Á là khu vực đông dân thứ ba trên toàn cầu – chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ – và chiếm 8% tổng dân số thế giới. Hơn nữa, đây là nền kinh tế lớn thứ năm thế giới và dự kiến sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm mạnh mẽ ở mức từ 5,5% trong thập kỷ tới.
Những dự báo này báo hiệu sự tăng trưởng đầy hứa hẹn cho khu vực, với việc áp dụng nhanh hơn các sản phẩm và dịch vụ kỹ thuật số được quan sát ở Đông Nam Á vào các năm vừa qua. Đồng thời, tác động của COVID-19 đối với ứng dụng kỹ thuật số vào tiêu dùng đã vượt ra ngoài phạm vi chỉ là một xu hướng tạm thời, số lượng người dùng tham gia vào nền kinh tế số đã tăng vọt trong những năm qua và dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng.
Và để tiếp tục câu chuyện về động lực định hình Ngân hàng số tại Đông Nam Á thì không thể không nhìn lại sơ lược lịch sử phát triển về Ngân hàng số tại Đông Nam Á, như bảng liệt kê ở trên thì cho thấy ngày càng có nhiều bên tham gia vào thị trường ngân hàng số tại Đông Nam Á. Lý giải cho sự phổ biến ngày càng tăng này có nhiều yếu tố nhưng một trong những yếu tố có thể là do sự tiện lợi của các dịch vụ kỹ thuật số toàn diện được hợp nhất trong một ứng dụng di động duy nhất. Ngoài ra, sự phổ biến ngân hàng số được thúc đẩy hơn nữa bởi việc ứng dụng rộng rãi và thói quen thực hiện các khoản thanh toán thông qua trực tuyến sau đại dịch – đặc biệt là trong số những người tiêu dùng trẻ – có xu hướng ứng dụng nhiều kỹ thuật số trong khu vực. Và với việc nhiều người biết đến các dịch vụ của ngân hàng số hơn, không có gì ngạc nhiên khi nhiều ngân hàng số mới đã tham gia thị trường.
Ngoài ra tại Đông Nam Á, mỗi quốc gia đều có những yêu cầu ràng buộc về pháp lý riêng mà qua đó các ngân hàng số có thể tùy chỉnh dịch vụ của mình để đáp ứng đầy đủ về mặt pháp lý mà vẫn có thể phục vụ được người dùng ở các phân khúc chưa được phục vụ đầy đủ.
Tóm lại, sau đây là những động lực chính đang định hình xu hướng ngân hàng số ở Đông Nam Á:
1. Sự hỗ trợ của chính phủ với tư cách là người tạo ra sân chơi và các quy định
Chính phủ các nước Đông Nam Á – đặc biệt là Indonesia, Malaysia, Singapore và Philippines – đã thực hiện các bước chủ động để thiết lập các quy định nhằm loại bỏ các rào cản trong việc tiếp cận các dịch vụ tài chính chính thức và mở rộng sự lựa chọn của người tiêu dùng. Cùng với đó là sự rõ ràng và minh bạch trong các quy định đã thúc đẩy một môi trường thuận lợi cho ngành ngân hàng
2. Lượng dữ liệu rất lớn được tạo ra mỗi ngày
Mỗi ngày, có một lượng khổng lồ dữ liệu từ người tiêu dùng được tạo ra, mang đến cơ hội rất lớn cho các bên, và các nhà cung cấp dịch vụ tài chính ngày nay rất năng động, nhanh nhẹn và đã thích ứng nhanh với sự thay đổi liên tục này. Họ tận dụng tối đa dữ liệu lớn này bằng cách thu thập, phân tích và sử dụng dữ liệu theo thời gian thực.
Cách tiếp cận dựa trên dữ liệu này giúp cho các ngân hàng số duy trì khả năng cạnh tranh bằng cách cung cấp các dịch vụ phù hợp với từng khách hàng mang tính cá nhân hóa (personalization). Điều này giúp người dùng cảm thấy được hiểu và được coi trọng vì các ngân hàng đề xuất các sản phẩm hoặc ưu đãi dựa trên hành vi dữ liệu của họ.
3. Kỳ vọng ngày càng tăng của người dùng về các dịch vụ ngân hàng nhanh chóng và dễ dàng hơn
Khách hàng ngày nay mong đợi các giải pháp tài chính ngân hàng phải được đáp ứng một cách nhanh chóng tức thời và không rườm rà rắc rối đã trở thành động lực thúc đẩy sự phát triển các ngân hàng số, buộc họ phải liên tục nâng cấp và cải tiến công nghệ để cung cấp các dịch vụ và trải nghiệm liền mạch.
Điều làm cho ngân hàng số trở nên khác biệt là cam kết luôn đi trước một bước so với nhu cầu của khách hàng thông qua đổi mới công nghệ liên tục. Chu kỳ đánh giá và cải tiến liên tục này là nền tảng cho khả năng của ngân hàng số không chỉ tồn tại mà còn duy trì khả năng cạnh tranh.
II. THÁCH THỨC ĐỐI VỚI NGÂN HÀNG SỐ TẠI VIỆT NAM và ĐÔNG NAM Á
Một thị trường bùng nổ được tạo ra bởi tăng trưởng kinh tế, sự thâm nhập của thiết bị di động và nhu cầu sự tiện lợi ngày càng cao.
Tại Đông Nam Á, ngân hàng số là lĩnh vực đang có mức tăng trưởng đáng kể theo từng năm, được thúc đẩy bởi nền kinh tế đang ngày càng phát triển, việc sử dụng (hoặc sự thâm nhập vào đời sống) thiết bị di động ngày càng tăng và nhu cầu ngày càng tăng đối với các dịch vụ trực tuyến. Sự chuyển dịch sang ngân hàng số được dự đoán sẽ mở ra tiềm năng kinh tế đáng kể, hướng đến mục tiêu tác động kinh tế hàng năm đáng kể, ví dụ theo báo cáo của McKinsey thì ngân hàng số đóng góp khoản 150 tỷ USD vào nền kinh tế của nước này.
Ở Việt Nam, các ngân hàng truyền thống đã chuyển mình trở thành những lá cờ đầu trong việc cung cấp các giải pháp ngân hàng số. Nhiều ngân hàng trong số này cung cấp ứng dụng ngân hàng di động, nền tảng trực tuyến và thậm chí là cả ví điện tử. Một số thậm chí còn ra mắt các ngân hàng số của riêng mình, cung cấp một loạt các dịch vụ toàn diện chỉ thông qua các kênh trực tuyến, bao gồm mở tài khoản, thanh toán và cho vay… Những ngân hàng số này, được biết đến vì sự tiện lợi, đã trở nên vô cùng phổ biến trong giới trẻ, cho phép họ thực hiện các hoạt động ngân hàng khi đang di chuyển mà không cần phải đến chi nhánh thực tế.
Ngoài ra, còn có các công ty công nghệ tài chính (fintech) cung cấp các giải pháp sáng tạo, tạo điều kiện cho người dùng thực hiện nhiều tác vụ khác nhau, bao gồm thanh toán hóa đơn, mua hàng thương mại điện tử và chuyển tiền ngang hàng. Và một lần nữa cần nhắc lại là sự bùng phát của COVID-19 đã đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của ngân hàng số trên khắp Đông Nam Á.
Tuy nhiên, trong một thị trường có nhiều đối thủ cạnh tranh, bao gồm cả các ngân hàng truyền thống đang chuyển mình như đã nói ở trên thì sự cạnh tranh để đảm bảo lòng trung thành của khách hàng là rất khốc liệt. Các ngân hàng số trên toàn Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng đã triển khai nhiều chiến lược đa dạng để củng cố sự hiện diện của mình, tập trung vào việc tăng lượt tải ứng dụng, tăng tần suất sử dụng… nhằm khuyến khích người dùng ngày càng sử dụng nhiều hơn, tạo ra nhiều giao dịch hơn thông qua ứng dụng của họ và vun đắp lòng trung thành của khách hàng.
Tóm lại, khi thị trường đang bùng nổ này mở ra, rõ ràng là việc theo đuổi sự đổi mới sáng tạo và các giải pháp lấy khách hàng làm trung tâm sẽ vẫn là ưu tiên hàng đầu trong các nỗ lực của các ngân hàng số và cả đối thủ. Đối với những ngân hàng số, đảm bảo khách hàng luôn trung thành với họ chính là chìa khóa để tồn tại vững mạnh trong bối cảnh ngành tài chính ngân hàng luôn thay đổi của Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung.
Và để tìm giải quyết bài toán khó đó thì chúng ta cần tìm hiểu đâu là những thách thức chính đối với các ngân hàng số.
Thách thức đối với digital bank tại Việt Nam và Đông Nam Á
Trong khi việc sử dụng ngân hàng số thực sự đang gia tăng ở Đông Nam Á, vẫn còn một số thách thức đáng chú ý trên con đường tiến tới thành công của ngân hàng số tại khu vực này, bao gồm thách về mặt nhận thức của khách hàng và thị trường, và thách thức phải đạt được lợi nhuận.
Thách thức về nhận thức của khách hàng và thị trường
- Sự ưu tiên dành cho các ngân hàng truyền thống
Bất chấp sự phát triển của ngân hàng số, một bộ phận đáng kể người dùng ở Đông Nam Á vẫn thích duy trì và sử dụng các dịch vụ với các ngân hàng truyền thống. Lòng trung thành với các tổ chức này đặt ra thách thức cho các ngân hàng số đang tìm cách chiếm lĩnh thị phần lớn hơn.
Theo báo cáo Visa Consumer Payment Attitudes Study 2022 (Tạm dịch: Thái độ thanh toán của người tiêu dùng Visa năm 2022), nhiều người tiêu dùng ở Đông Nam Á vẫn thích giữ tài khoản ngân hàng chính của họ ở các ngân hàng truyền thống hơn là ngân hàng kỹ thuật số.
- Sự tin tưởng và thân thuộc
Niềm tin đóng vai trò then chốt trong lĩnh vực tài chính và nhiều ngân hàng truyền thống đã tạo dựng được lòng tin và sự thân thuộc sâu sắc với người dùng trong nhiều năm qua. Việc thuyết phục khách hàng đặt thêm niềm tin sang các ngân hàng số đòi hỏi những nỗ lực toàn diện trong việc xây dựng hình ảnh đáng tin cậy và an toàn – và điều này cần thời gian.
- Kiến thức số
Trong khi thế hệ trẻ có xu hướng số hóa nhiều hơn, vẫn còn một bộ phận dân số có hiểu biết hạn chế về số. Đảm bảo khả năng tiếp cận và dễ sử dụng cho tất cả các phân khúc khách hàng là một thách thức to lớn mà các ngân hàng số phải giải quyết.
- Cạnh tranh
Bối cảnh ngân hàng số ở Đông Nam Á đang ngày càng trở nên cạnh tranh mạnh mẽ. Những bên mới tham gia, các ngân hàng truyền thống và các công ty công nghệ tài chính đều đang cạnh tranh để giành một phần miếng bánh thị phần ngân hàng số. Để nổi bật và khác biệt trong thị trường đông đúc này trong khi vẫn phải thúc đẩy lòng trung thành với thương hiệu là một thách thức to lớn không dễ giải quyết.
- Định hướng và hướng dẫn khách hàng
Việc hướng dẫn giúp khách hàng biết về những lợi thế và khả năng của ngân hàng số vẫn là một thách thức đang diễn ra. Nhiều người dùng có thể không nhận thức đầy đủ về các tính năng và lợi ích mà ngân hàng số có thể cung cấp. Bất chấp những thách thức này, Nghiên cứu Thái độ thanh toán của người tiêu dùng Visa 2022 nêu bật một số lĩnh vực mà ngân hàng số vượt trội, tạo cơ hội cho sự phát triển hơn nữa. Các lĩnh vực này bao gồm tốc độ và sự tiện lợi (41%), cung cấp trải nghiệm ngân hàng hiện đại và sáng tạo (32%) và khả năng thực hiện các dịch vụ ngân hàng bất kỳ lúc nào trong ngày (40%).
- Lòng trung thành của khách hàng
Việc thúc đẩy lòng trung thành của khách hàng trong bối cảnh ngân hàng số của Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng là một thách thức to lớn. Các ngân hàng truyền thống đã có lòng tin và sự quen thuộc lâu dài, khiến các ngân hàng số gặp khó khăn trong việc thiết lập mức độ trung thành tương tự với thương hiệu. Xây dựng lòng tin, uy tín và cảm giác tin cậy là một nỗ lực liên tục, đặc biệt là trong một thị trường có sự cạnh tranh gay gắt và sở thích đa dạng của khách hàng. Việc điều hướng và tận dụng những thách thức này là điều cần thiết đối với các ngân hàng số tại Việt Nam và Đông Nam Á. Xây dựng lòng trung thành với thương hiệu, thúc đẩy giữ chân khách hàng và thiết lập sự hiện diện mạnh mẽ trong bối cảnh tài chính năng động của Đông Nam Á đòi hỏi một cách tiếp cận toàn diện và chiến lược dài hạn, khôn ngoan.
Thách thức về lợi nhuận cho các ngân hàng số ở Việt Nam và Đông Nam Á
Trong khi ngày càng nhiều các bên mới tham gia thị trường, chỉ một số ít đạt được lợi nhuận. Theo phân tích của BCG, trong số hơn 249 ngân hàng số trên toàn thế giới, chỉ có khoảng 5% trong số đó có lợi nhuận. Điều thú vị là không có bất kỳ cái tên thành công nào trong số này có trụ sở tại Đông Nam Á (hầu hết là ở Nhật Bản và Trung Quốc). Những công ty dẫn đầu về ngân hàng số tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (APAC) này chỉ chiếm được 2% thị phần về tổng giá trị tiền gửi và cho vay trong các phân khúc mục tiêu của họ.
Và để đạt được mục tiêu có lợi nhuận thì theo quan điểm cá nhân tôi, các ngân hàng số cần xác định và làm rõ hướng xử lý (giải pháp) cho 3 thách thức sau để đạt được lợi nhuận trong lĩnh vực này:
1. Xác định con đường/cách đạt được lợi nhuận?
Cách để đạt được lợi nhuận cho các ngân hàng số có thể đầy thách thức, nhưng có một số chiến lược và một vài phương thức mà các ngân hàng số có thể tham khảo thực hiện để hướng tới mục tiêu có lợi nhuận:
1.1 Thu thập và xây dựng được cơ sở dữ liệu khách hàng mạnh
Như đã nói ở trên, việc thu hút và giữ chân khách hàng là điều cần thiết. Các ngân hàng số nên tập trung vào hoạt động tiếp thị và thu hút khách hàng để tăng trưởng cơ sở người dùng một cách ổn định.
1.2 Đa dạng hóa luồng doanh thu
Ngoài các dịch vụ ngân hàng cơ bản, hãy tìm hiểu cách tạo ra các nguồn doanh thu bổ sung chẳng hạn như cho vay, sản phẩm đầu tư, bảo hiểm và xử lý thanh toán. Cung cấp nhiều sản phẩm tài chính có thể giúp tăng doanh thu.
1.3 Cho vay một cách khôn ngoan
Cho vay cũng là một hướng để gia tăng lợi nhuận. Nhưng nếu ngân hàng số cung cấp dịch vụ cho vay, họ cần phải đánh giá rủi ro tín dụng cực kỳ cẩn trọng, đảm bảo danh mục cho vay được đa dạng hóa tốt và được quản lý thận trọng để giảm thiểu tình trạng vỡ nợ.
1.4 Liên tục đầu tư vào công nghệ
Các ngân hàng số cần tiếp tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng công nghệ để nâng cao hiệu quả, nâng cao trải nghiệm người dùng và cung cấp các dịch vụ. Vì rõ ràng công nghệ có khả năng mở rộng và nền tảng cốt lõi đáng tin cậy cho hoạt động của ngân hàng số.
1.5 Quản lý chi phí hiệu quả
Quản lý chi phí hiệu quả là rất quan trọng. Khi lượng khách hàng tăng lên, về mặt lý thuyết là có thể giúp giảm chi phí vận hành cho mỗi khách hàng. Tuy nhiên, các ngân hàng số không nên chủ quan mà luôn phải lưu ý đến việc kiểm soát chi phí và tối ưu hóa hoạt động.
1.6 Chiến lược tăng doanh thu
Xây dựng các chiến lược rõ ràng để có thể tận dụng, khai thác và tăng doanh thu có được từ lượng khách hàng hiện có, bao gồm cấu trúc phí, lãi suất và dịch vụ khác – ví dụ như cung cấp các dịch vụ cao cấp. Để làm được điều này thì ngân hàng số cần thiết phải hiểu được giá trị trọn đời của khách hàng (CLV – Customer Lifetime Value) và định giá dịch vụ phù hợp.
1.7 Quan hệ đối tác & hệ sinh thái
Hợp tác với các đối tác công nghệ tài chính và tích hợp các dịch vụ bổ sung vào nền tảng cũng là một hướng không tồi. Đồng thời, xây dựng hệ sinh thái các sản phẩm và dịch vụ tài chính có thể thu hút khách hàng mới và giữ chân khách hàng hiện hữu.
1.8 Tương tác với Khách hàng
Tăng cường sự tương tác của khách hàng thông qua các kênh kỹ thuật số. Ngân hàng số cần cung cấp các trải nghiệm được cá nhân hóa, hỗ trợ khách hàng 24/7 và ứng dụng di động thân thiện, dễ sử dụng có thể giúp khách hàng hài lòng và trung thành.
1.9 Tiếp thị & xây dựng thương hiệu
Cần phải xem việc liên tục đầu tư vào các nỗ lực tiếp thị để nâng cao nhận thức và xây dựng nhận diện thương hiệu và lòng trung thành là điều cần thiết. Tiếp thị hiệu quả có thể giúp thu hút khách hàng mới và giữ chân khách hàng hiện tại.
Đó là 9 gợi ý để có thể giúp ngân hàng số tăng được lợi nhuận, nhưng quan trọng cần lưu ý là việc đạt được lợi nhuận trong lĩnh vực ngân hàng số có thể mất thời gian, thường là vài năm. Ngoài ra, để thành công còn phải xem xét vào các yếu tố như bối cảnh cạnh tranh, điều kiện thị trường và khả năng thực hiện chiến lược hiệu quả để có thể điều chỉnh phương thức sao cho phù hợp và hiệu quả. Nên nhớ rằng tính linh hoạt và khả năng thích ứng là rất quan trọng vì ngành tài chính luôn thay đổi nhanh chóng và kỳ vọng của khách hàng ngày càng cao.
2. Làm thế nào để đạt được tối thiểu các chỉ tiêu quan trọng?
Làm thế nào để đạt được mức tối thiểu các chỉ tiêu quan trọng đã đề ra cũng là 1 thách thức mà các ngân hàng số cần phải giải quyết để đạt được lợi nhuận. Có thực tế là có rất ít ngân hàng số có thể có được số lượng khách hàng đủ lớn và tài sản được quản lý (AUM – asset under management) để tạo ra dòng tiền ổn định, lợi nhuận bền vững – đây có thể được xem là khối lượng tới hạn tối thiểu. Đạt được khối lượng tới hạn tối thiểu là điều cần thiết đối với các ngân hàng số, vì họ thường phải đối mặt với chi phí khởi nghiệp ban đầu cao và cần mở rộng quy mô hoạt động để trang trải các chi phí này, và tiếp đến là có thể có lãi.
Điều quan trọng cần lưu ý là khối lượng tới hạn cụ thể cần để đạt được lợi nhuận có thể thay đổi rất nhiều tùy thuộc vào các yếu tố như mô hình kinh doanh, thị trường mục tiêu, phạm vi địa lý, bối cảnh cạnh tranh … thậm chí là cả môi trường pháp lý. Nên để đạt được khối lượng tới hạn thường là một hành trình kéo dài nhiều năm đối với các ngân hàng số (thường nhanh là khoảng 3 năm) và đòi hỏi phải lập kế hoạch, thực hiện cẩn thận và liên tục tối ưu, điểu chỉnh để thích ứng với các điều kiện thị trường.
3. Lưu tâm đến bảng cân đối tài chính và công nghệ
Thách thức cuối cùng mà ngân hàng số cần giải quyết để đạt được lợi nhuận đó là cân bằng hai khía cạnh tài chính và công nghệ – đây là chìa khóa thành công của ngân hàng số. Sự cân bằng cẩn thận giữa bảng cân đối tài chính (tài sản và nợ phải trả bao gồm các chi phí) và công nghệ chính là điểm G – là nơi và là con đường giúp ngân hàng số tìm ra cách thức tồn tại và phát triển.
Việc quá chú trọng vào công nghệ mà không có chiến lược cân đối tài chính hợp lý có thể dẫn đến chi phí cao mà không có doanh thu tương xứng. Ngược lại, một bảng cân đối tài chính tốt mà không có công nghệ phù hợp có thể hạn chế rất nhiều khả năng thu hút và phục vụ khách hàng hiệu quả.
Cuối cùng, các ngân hàng số thành công sẽ buộc phải biết cách cân bằng giữa các hoạt động, giữa bảng cân đối tài chính và đầu tư công nghệ để tạo ra giá trị, thu hút khách hàng và đạt được lợi nhuận. Chiến lược cụ thể có thể khác nhau tùy thuộc vào mô hình kinh doanh, thị trường mục tiêu và môi trường pháp lý của mỗi ngân hàng.
Nguồn: Trong bài viết có sử dụng 1 số thông tin báo cáo từ BCG, Google, Visa, Ngân hàng thế giới (WorldBank) …
Võ Quốc Hưng – CGO tại Tonkin Media
Nếu bạn thấy có ích hãy like & follow fanpage của Adtimes để nhận được thêm các thông tin hữu ích sớm nhất nhé.
Link fanpage https://www.facebook.com/AdTimes.vn/